Order natural gemstone decoration products / Nhận đặt vật phẩm trang trí bằng đá quý.
vattrangtri.com

Ngành thủ công mỹ nghệ cần hỗ trợ sau dịch Covid 19

Nguyễn Thế Lâm 03/09/2021

Đứng thứ hai châu Á về xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Là ngành tạo ra nhiều việc làm nhất là lao động nông thôn, góp phần quan trọng quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhưng ngành thủ công mỹ nghệ vốn gặp quá nhiều khó khăn, nay càng gian nan hơn vì đại dịch Covid 19. Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ mới. Hội thủ công mỹ nghệ cói mây tre đan Việt Nam cũng cần nhập cuộc tích cực hơn để giúp đỡ các hội viên trong sản xuất, kinh doanh.

Hỗ trợ người lao động “ly nông không ly hương”

Hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam hầu hết được tập trung sản xuất ở các làng nghề và các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ. Các nhóm sản phẩm chủ yếu gồm: Mây tre đan, sản phẩm từ cóilục bình, gốm sứ, điêu khắc gỗ, sơn mài, thêu ren, điêu khắc đá, dệt thủ công, giấy thủ công, tranh nghệ thuật, kim khí, vàng bạc và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Theo các con số thống kê, Việt Nam có khoảng 2.000 làng nghề thuộc các nhóm sản phẩm trên. Nhiều làng nghề có truyền thống lâu đời hàng trăm năm, mang đậm giá trị văn hoá, lịch sử và sản xuất những mặt hàng TCMN nổi tiếng tập trung đa phần ở các tỉnh phía bắc. Riêng TP Hà Nội đã có 266 làng nghề TCMN truyền thống nổi tiếng như Gốm Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Khảm trai Chuyên Mỹ… Những năm gần đây, hàng TCMN được đẩy mạnh xuất khẩu, đã có mặt tại thị trường của 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đạt giá trị xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD/năm. Các sản phẩm TCMN, đặc biệt là các mặt hàng mây, tre, cói của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, tiếp đến là các thị trường Trung Quốc, Anh, Úc, Ấn Độ…

Thống kê của bộ về ngành thủ công mỹ nghệ

Theo thống kê của Bộ Công thương, ngành TCMN tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu hộ gia đình.Có chừng 1.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc xuất khẩu hàng TCMN. Với đặc điểm tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, ngành TCMN đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế. Đặc biệt là thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu. Giải quyết một phần nguồn lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng rời bỏ nông thôn của thanh niên các làng quê…

Những mặt lợi thế của ngành

Lợi thế đầu tiên của sản xuất hàng TCMN là sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn và giá rẻ tại chỗ. Thậm chí có sản phẩm người làm chỉ cần mất công đi thu lượm chứ không mất tiền mua, như lục bình để làm các sản phẩm đan lát. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long-nơi lục bình trôi dày đặc trên các kênh xáng. Người nông dân chỉ cần xuống kênh gần nhà, cắt lục bình lên phơi khô để bán cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Kĩ thuật đan các sản phẩm từ lục bình (cũng như từ các nguyên liệu khác để đan lát, gia công) đơn giản nên người lớn, trẻ em ở nông thôn đều có thể nhận việc.

 Báo Người Lao Động dẫn nguồn của Công ty CP Artex Đồng Tháp cho biết. Mỗi năm công ty này xuất khẩu khoảng 6 triệu USD các sản phẩm từ lục bình như thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa, ghế salon… Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty, các sản phẩm chế biến từ lục bình được thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, Úc… ưa chuộng do bền, đẹp và đặc biệt là thân thiện với môi trường.

Bài toán giữ chân thanh niên ở lại nông thôn đang ngày càng trở nên phức tạp, khó giải quyết. Việc đầu tư các nguồn lực để bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề TCMN nhằm kéo một bộ phận lao động, nhất là thanh niên “ly nông không ly hương” là một giải pháp cần được chú trọng nhiều hơn trong tổng thể các giải pháp đang được các ban ngành triển khai.

Mở rộng du lịch và quảng bá văn hoá

Trong chiến lược phát triển của mình, ngành du lịch Việt Nam coi trọng việc xây dựng các tour giới thiệu khách trong và ngoài nước tới thăm và mua sắm tại các làng nghề, các địa điểm có nghề truyền thống làm hàng TCMN, đưa hình thức du lịch này làm ưu tiên hàng đầu. Thực tế, việc đưa làng nghề vào khai thác, phát triển du lịch đã thành công ở nhiều nước trên thế giới cả trên bình diện kinh tế và quảng bá văn hóa. Xu hướng du lịch này đem lại nhiều lợi ích cho cả khách và chủ nhà. Khách được tới tham quan những làng nghề truyền thống, nhiều làng có lịch sử hàng trăm năm; hiểu thêm về văn hoá bản địa và được mua sắm những món hàng, đồ lưu niệm đặc sắc mà mình yêu thích do chính những nghệ nhân tại đó làm ra. Các làng nghề nhờ nguồn khách du lịch có thêm việc làm, thu nhập và địa phương có thêm nguồn kinh phí chỉnh trang, làm đẹp làng, khu dân cư.

Cần được hỗ trợ từ nhiều phía

Những phân tích sơ bộ trên cho thấy, ngành TCMN là thành phần rất quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp kim ngạch xuất khẩu, quảng bá văn hoá; giữ gìn, bảo tồn hệ thống làng nghề di sản của dân tộc…Từ ý nghĩa đó, ngành TCMN cần được Nhà nước, các bộ ngành chức năng quan tâm nhiều hơn. vào cuộc thực sự để hỗ trợ ngành TCMN “chữa khỏi” các căn bệnh kinh niên và hồi phục sau đợt “ốm nặng”vì Covid 19.

Trên thực tế, từ lâu Chính phủ và cấp bộ ngành chức năng đã ban hành nhiều chương trình, nghị định, thông tư với các nội dung hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn, công nghiệp nông thôn, nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề. Như Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công; Nghị định số 123/2014/NĐ-CP quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ;…Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành các chính sách cụ thể hỗ trợ cho nghề này.

VGJA là thành viên của UBTU MTTQVN, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nên các phản ánh của các nghệ nhân, doanh nhân là hội viên VGJA cũng được MTTQ lắng nghe, truyền tải với các cơ quan lãnh đạo cấp cao; VCCI cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp TCMN tư vấn, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Cần sự bứt phá trong ngàng thủ công mỹ nghệ

Tuy nhiên, muốn bứt phá, ngành TCMN cần nhận được những hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là từ Bộ Công thương, VCCI, Bộ NN&PTNT, Bộ Văn hoá-thể thao-du lịch, chính quyền các địa phương có ngành nghề TCMN và Hội VGJA nhằm trước tiên giải quyết các khó khăn nổi cộm và kéo dài sau đây:

Thứ nhất: giải quyết tình trạng sản xuất, kinh doanh thiếu liên kết. Trước hết cần có sự liên kết giữa các hộ, cơ sở, địa phương sản xuất cùng loại sản phẩm TCMN; liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với cơ sở sản xuất sản phẩm; giữa doanh nghiệp xuất khẩu với hộ, cơ sở sản xuất TCMN; giữa các cơ sở sản xuất với hệ thống đào tạo nghề, giữa các công ty du lịch với các làng nghề; giữa các hội, hiệp hội nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất…Các mối liên kết này là hết sức cần thiết trong điều kiện thị trường cạnh tranh, giống ngành nông nghiệp đang quyết liệt hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị. Ở khâu này, Bộ Công thương, VCCI cần tư vấn xây dựng chính sách phù hợp, tích cực hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường và phát triển mẫu mã sản phẩm để ngành TCMN nhanh chóng tiến tới liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai: Bộ Công thương cần hỗ trợ cụ thể hơn giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng TCMN nhận thức sâu sắc hơn, có kế hoạch rõ ràng về xây dựng thương hiệu sản phẩm và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu sản phẩm. Việt Nam đang và sẽ tham gia nhiều tổ chức kinh tế quốc tế lớn, việc tránh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc buộc các nhà sản xuất, kinh doanh trong ngành TCMN phải hiểu và tuân thủ. Sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả vốn là những “vấn nạn” đối với các làng nghề và các sản phẩm TCMN, ảnh hưởng xấu đối với hoạt động của ngành, của xã hội…Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng TCMN, các nghệ nhân song song với các biện pháp đầu tư mạnh vào thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm trên cơ sở đầu tư nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài phải nhắm tới xây dựng thương hiệu và đăng kí quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu sản phẩm của mình. Khi đầu tư vào thiết kế mẫu mã sản phẩm, các doanh nghiệp cần kết hợp và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà nghiên cứu tham gia đào tạo và thiết kế để có được những sản phẩm vừa giữ được nét truyền thống vừa đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường.

Thứ ba: trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng, đặc biệt là tại thị trường các nước Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…các hộ sản xuất cũng như các doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu hàng TCMN phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiểu về tiêu chí chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế ngày nay cũng rất khác trước, trong đó có cả những yêu cầu về bảo vệ môi trường. Để đáp ứng được các yêu cầu chất lượng này, các hộ, doanh nghiệp đơn lẻ khó thực hiện, cần có sự phối hợp hỗ trợ từ Nhà nước, các bộ ngành, chính quyền các địa phương, tổ chức hội, như vay vốn mở rộng sản xuất, thay máy móc cũ, áp dụng công nghệ mới; hỗ trợ đào tạo nghề; được ưu đãi thuê, mua hạ tầng làm xưởng…

 

Khi đã nhận được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, có sự chung sức, hỗ trợ của các bộ ngành chức năng và sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước, ngành nghề TCMN chắc chắn sẽ sớm tạo dựng được hệ thống sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, thương hiệu từng loại đậm nét văn hoá Việt Nam, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dung trong nước và thế giới.

Handicrafts EP đơn vị sản xuất và cung ứng sản phẩm thủ công mỹ nghệ hàng đầu tại Việt Nam

Handicrafts EP tự hào là đơn vị cung ứng về sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Đã và đang là sự lựa chọn hàng đầu về sản phẩm thiên nhiên của mọi người. Quy trình sản xuất bằng tay với đội ngũ thợ thủ công lành nghề lâu năm. Nếu quý khách có nhu cầu đặt hàng hãy vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và phục vụ tốt nhất.

Bạn đang xem: Ngành thủ công mỹ nghệ cần hỗ trợ sau dịch Covid 19
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon icon icon

Giỏ hàng